Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch lây lan, hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ đều triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, ngừng các hoạt động xuất, nhập và quá cảnh. Hệ quả của những biện pháp này đặt ra thách thức to lớn đối với công tác bảo hộ công dân của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, hiện cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài có hơn 4,5 triệu người. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho tới khi lan rộng ra toàn cầu, hàng chục ngàn công dân Việt Nam đã trở về nước. Tuy nhiên vẫn còn hàng trăm ngàn công dân bị kẹt lại do các quốc gia, vùng lãnh thổ thay đổi quy định về xuất, nhập và quá cảnh, các hãng hàng không thay đổi lịch trình bay. Theo số liệu của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tính đến cuối tháng 4/2020, vẫn còn gần 10.000 công dân đã đăng ký với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được về nước.
Ngày 25/1, chỉ 3 ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã liên tục có những chỉ đạo, giao cho các bộ, ngành có liên quan xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan quốc tế hỗ trợ triển khai hơn 30 chuyến bay đưa công dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh về nước, với hơn 2.000 công dân, ghi nhận nguyện vọng của 17.249 công dân. Trong đó nổi bật nhất là chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán trở về ngày 10/2. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong nước, của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của Bộ Ngoại giao đã được Nhân dân đánh giá cao.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được Bộ Ngoại giao đặc biệt chú trọng. Tính từ ngày 24/1, Bộ đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân; hơn 10 tin phát đối nội đối ngoại; gần 110 câu trả lời của Người Phát ngôn tại Họp báo Thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch Covid-19 và công tác bảo hộ công dân. Bộ đã chủ động cung cấp thông tin cho một số hãng thông tấn báo chí lớn trên thế giới, đưa tin tích cực về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Nhờ đó đã tạo được sự cộng hưởng trên báo chí trong và ngoài nước để đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong dư luận quốc tế.