Là cựu học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đăk Lăk), nhờ sự thông minh và cần mẫn học tập, trong suốt 12 năm học, em Nay H’Nga đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Trong 3 năm là sinh viên Lớp Kinh tế Nông nghiệp K15, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên, Nay H’Nga đều nằm trong top sinh viên giỏi của trường. Nay H’Nga tâm sự: Có được những thành quả này, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, em còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy, cô giáo, sự động viên của gia đình và bạn bè đã tiếp thêm động lực và niềm tin để em vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Không chỉ đạt thành tích cao trong học tập, Nay H’Nga còn rất năng nổ tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn trường, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Tham dự thi Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, Nay H’Nga đã có một đề tài khoa học về đề tài “Thực trạng tính chủ động trong học tập của sinh viên khoa Kinh tế-Trường Đại học Tây Nguyên”, được các nhà khoa học và lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá cao.
Ông Phạm Trọng Lượng, Trưởng Phòng Công tác Chính trị học sinh sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên đánh giá: Nay H’Nga là một sinh viên có ý chí, nghị lực cao, luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Em là tấm gương cho sinh viên DTTS học tập và cũng là niềm tự hào của Trường Đại học Tây Nguyên.
Nay H’Nga chia sẻ, điều em luôn trăn trở, suy nghĩ đó là vẫn còn có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên người DTTS gặp khó khăn trong cuộc sống và trong học tập. Có những bạn sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để theo đuổi con chữ đã phải nỗ lực rất lớn. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy.
Bên cạnh đó, phần đông lớp trẻ ở vùng đồng bào DTTS chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, trình độ nhận thức xã hội vẫn còn hạn chế. “Em nhận thấy, vùng Tây Nguyên nói chung và huyện Buôn Đôn, nơi em sinh sống nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhưng đồng bào nơi đây vẫn chưa tận dụng, phát huy được hết lợi thế. Vì vậy, em muốn sau này mang kiến thức của mình để giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, thoát khỏi đói nghèo”, Nay H’Nga trải lòng.
Đây cũng chính là lý do Nay H’Nga chọn ngành Kinh tế Nông nghiệp để theo học. Em mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm chăm lo đến đồng bào nói chung và sự học đối với học sinh, sinh viên là người DTTS, nhằm góp phần làm vơi đi những khó khăn, vất vả cả về vật chất, lẫn tinh thần để tiếp bước cho chúng em đến trường.
PHƯƠNG LÊ