Học cũng như không!
Tình trạng thanh niên DTTS thiếu việc làm đang diễn ra rất trầm trọng, là rào cản cho việc phát triển kinh tế-xã hội cũng như gây áp lực rất lớn đến việc triển khai các chính sách an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi. Tại phiên thẩm tra tình hình kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách và thực hiện chính sách dân tộc, miền núi năm 2016-2018 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ngày 24/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên DTTS hiện chiếm 5,76%, cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,34%).
Rõ ràng đây là một sự trăn trở của người đứng đầu cơ quan công tác dân tộc. Không trăn trở sao được khi tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi vẫn ở mức cao, chiếm tới 52,7% tổng số hộ nghèo cả nước. Đã có nhiều giải pháp được triển khai để giảm nghèo vùng DTTS và miền núi; nhưng rất nhiều giải pháp chưa thể thực thi, hoặc không thể thực thi. Việc bố trí đất sản xuất, dù đã được quy định tại nhiều chính sách hỗ trợ nhưng “tắc” vì quỹ đất không còn, hoặc do định mức hỗ trợ thấp; một số chính sách hỗ trợ trực tiếp thì vô tình tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại;…
Trong bối cảnh đó, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS, nhất là lực lượng thanh niên, được xem là “cứu cánh”. Tuy nhiên, kết quả đào tạo nghề cho thanh niên DTTS còn quá khiêm tốn. Theo thống kê, cả nước có gần 4 triệu thanh niên DTTS; nhưng tỷ lệ thanh niên qua đào tạo nghề (chủ yếu là sơ cấp nghề dưới 3 tháng) chỉ chiếm khoảng 3%; tương đương khoảng 120 nghìn lao động.
Không chỉ ít về số lượng mà chất lượng đào tạo nghề cho lao động DTTS cũng là vấn đề cần quan tâm. Dẫu chưa có một cuộc khảo sát chính thức nhưng có thể khẳng định, đa số lao động DTTS đều được đào tạo về nông nghiệp. Bởi, với thời gian đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng), việc tham gia học nghề nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) là phù hợp nhất. Đang làm nông, đi học nghề nông nghiệp nên học xong dù không có việc làm mới thì lao động vẫn có việc làm.
Có lẽ đây là cơ sở để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề của lao động nông thôn đạt 80%. Còn 20% không có việc làm sau đào tạo nghề thuộc vào nhóm lao động học nghề phi nông nghiệp?
Số liệu này tương đối phù hợp với kết quả khảo sát của Tổ chức Oxfam tại 7 địa phương triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Theo Oxfam, đa số người học kiếm được việc làm là học nghề nông, vì họ đang làm nông nghiệp, học xong về vẫn làm nông nghiệp. Oxfam còn đưa ra số liệu: tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề thuộc hộ thoát nghèo chỉ chiếm 4-5%, có địa phương như Trà Vinh chỉ 0,5%, Quảng Trị chỉ 1%; số lao động sau học nghề có thu nhập khá cũng rất thấp, như Đăk Nông chỉ 0,7%, Hòa Bình 0,9%, Nghệ An 2,3%...
Chuyển hướng cho vay học nghề
Nhiều năm qua, chính sách đào tạo nghề đã được quy định ở nhiều Chương trình (134, 75, 1956,…); đồng thời, một nguồn lực không hề nhỏ cũng đã được bố trí để thực hiện. Chỉ tính riêng thực hiện Đề án 1956, từ năm 2011 đến năm 2016, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng/năm để triển khai.
Giai đoạn 2017-2020, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhưng nguồn kinh phí thực hiện cũng được phân khai rất cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, hơn 1.750 tỷ đồng được cấp để thực hiện đề án, trong đó cấp cho địa phương 1.702 tỷ đồng, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 48 tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách đào tạo nghề còn được lồng ghép từ nhiều chương trình, dự án khác.
Rõ ràng, nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là không thiếu. Nhưng điểm mấu chốt vẫn là cách triển khai chưa phù hợp. Các chính sách hỗ trợ học nghề chủ yếu vẫn cho “con cá”, chưa thực sự tạo ra “cần câu” cho lao động DTTS. Với quy định hỗ trợ bằng tiền mặt cho các học viên tham gia học nghề, chính sách đào tạo nghề đã “đẻ” ra rất nhiều lớp học theo kiểu “đánh trống ghi tên”, “học giả, nhận tiền thật”.
Sau nhiều lần điều chỉnh chính sách nhưng cơ chế hỗ trợ học nghề vẫn giữ nguyên theo hình thức “cho không”. Mới đây nhất, theo Thông tư 58/2017/TT-BTC, ngày 13/6/2017 của Bộ Tài chính, lao động DTTS thuộc hộ nghèo tại khu vực miền núi, vùng ĐBKK sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Thông thường, “cho không” thì rất dễ “mất không”. Kết quả quá khiêm tốn trong đào tạo nghề cho lao động DTTS thời gian qua đã làm dấy lên những hoài nghi về chính sách này. Nhưng phải khẳng định, trong điều kiện khó giải quyết đất sản xuất, để giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi thì phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực khác. Do vậy, đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới cho lao động DTTS phải là giải pháp được quan tâm hàng đầu.
Vấn đề ở chỗ là cần thay đổi cách làm, từ cho không chuyển dần sang cho vay, từ hỗ trợ không điều kiện sang hỗ trợ có điều kiện. Việc xây dựng chính sách cho vay học nghề đối với lao động DTTS sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trong đó, cho vay học nghề sẽ giảm thiểu được tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách; tránh hiện tượng trục lợi chính sách. Nhưng quan trọng hơn, việc cho vay học nghề sẽ khuyến khích tinh thần tự giác vươn lên của lao động, là động lực quan trọng nhất để thoát nghèo bền vững.
SỸ HÀO