Bài 2: Cần một giải pháp ở tầm vĩ mô
Chồng chéo quy định
Xã Ea Lê có thể xem là địa phương “ùn ứ” nhiều hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. Số hồ sơ còn tồn đọng tính đến hết quý I/2018, toàn Ea Lê có 15 nghìn hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ; nhưng qua rà soát, xã xác định chỉ có thể cấp giấy cho 5 nghìn hồ sơ, 10 nghìn hồ sơ còn lại chưa biết giải quyết như thế nào.
Theo ông Hoàng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê, nguyên nhân là do, rất nhiều hồ sơ tồn đọng, qua rà soát là có nguồn gốc từ lấn chiếm, xâm canh trái phép. Trong khi đó, để giải quyết tình trạng này đang có nhiều quy định chồng chéo nhau.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013, việc lấn chiếm đất là hành vi vi phạm pháp luật, đồng nghĩa không thể cấp GCNQSDĐ. Nhưng trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 lại quy định: Trường hợp lấn chiếm đất trước thời điểm ngày 01/7/2014, nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp GCNQSDĐ (Điều 22).
Nhưng nếu căn cứ vào Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ thì việc cấp GCNQSDĐ cho những thửa đất bị lấn chiếm lại không thể thực hiện. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ diện tích khoán bảo vệ rừng; khoán đất lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 15/1/1995; kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt.
Vì những chồng chéo trong các quy định hiện hành này mà 10 nghìn bộ hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp ở xã Ea Lê đang tồn đọng. Theo thông tin của đại diện UBND xã, địa phương đang thực hiện bóc tách từng hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu từng trường hợp; các trường hợp liên quan đến rừng thì cho dừng lại đợi cơ chế, chủ trương tháo gỡ từ cấp trên.
Không riêng xã Ea Lê mà rất nhiều địa phương đang “rối như cạnh hẹ” trong việc giải quyết hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có nguồn gốc lấn chiếm. Đã có không ít lãnh đạo địa phương “dính đòn oan” vì “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Như tại Đăk Nông, tính đến cuối tháng 12/2017, toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã thực hiện cấp “sổ đỏ” cho 3.222ha đất có nguồn gốc lấn chiếm cho hơn 3.100 hộ gia đình. Qua xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông xác định có 213 cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cấp giấy không đúng quy định; Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đăk Nông đã đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét để xử lý, kỷ luật.
Làm thế nào sống được nhờ rừng?
Từ những chồng chéo trong quy định hiện hành, ở các địa phương khu vực miền núi đang tồn đọng một lượng lớn hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp. Phần lớn diện tích đất chưa được cấp GCNQSDĐ tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS tại chỗ và vùng đồng bào DTTS di cư tự phát.
Việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, nhất là những chồng chéo trong quy định hiện hành để thực hiện cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp là đề xuất của chính quyền cơ sở. Bởi lẽ, cùng với tình trạng thiếu đất sản xuất chưa có hướng giải quyết thì việc tồn đọng quá nhiều hồ sơ chậm được cấp GCNQSDĐ đã và đang là một áp lực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ổn định trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại Hội thảo về thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng DTTS, miền núi, giai đoạn 2006-2016 (tổ chức tháng 9/2017), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông tin, hiện vẫn còn nhiều địa phương có rất nhiều hộ đồng bào DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất. Đặc biệt có những địa phương rất nổi cộm như: tỉnh Nghệ An còn hơn 16.000 hộ; Quảng Nam còn gần 15.000 hộ, Quảng Ngãi gần 9.000 hộ…
Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì phương án thu hồi đất nông, lâm trường để giao lại cho người dân được xem là phương án khả thi. Nhưng giao đất rừng cho người dân thì cũng phải đồng thời thực hiện cấp GCNQSDĐ để người dân gắn bó với rừng.
Nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là đã có không ít trường hợp người dân sau khi được cấp GCNQSDĐ liền sang nhượng để lấy tiền. Điều này đồng nghĩa người dân tiếp tục không còn đất để canh tác; mọi nỗ lực giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng lâu dài xem như trôi theo dòng nước.
Do đó, làm thế nào để đồng bào DTTS sau khi được giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng lâu dài có thể sống được nhờ vào rừng vẫn là mục tiêu quan trọng nhất cần hướng đến. Bởi thực tế, nếu người dân nhìn thấy và thực sự nhận được kết quả từ việc nhận chăm sóc cũng như quản lý rừng, thì lúc ấy người dân sẽ tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với diện tích rừng đã nhận. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng phải đề ra các giải pháp, quản lý chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng Nhà nước tạo điều kiện nhưng người dân chỉ nhanh chóng “xóa đói tức thời, không giảm được nghèo” từ rừng.
SỸ HÀO