Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Tính đến ngày 1/4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều. Tuy nhiên trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin hơn 197 triệu mũi tiêm. Như vậy còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống (tương ứng với trên 4% tổng số mũi tiêm).
Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 42 triệu mũi chưa gửi (bao gồm các mũi tiêm chưa nhập và các mũi tiêm đã nhập nhưng thiếu thông tin cơ bản không thể gửi). Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang đã xác thực đúng thông tin được hơn 112 triệu mũi tiêm, còn lại hơn 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin.
Đối với những người dân chưa được cấp "hộ chiếu vaccine" do thiếu hoặc sai thông tin, cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn), hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa. Đại diện Bộ Y tế cho biết, ngay từ bây giờ, người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Để bảo đảm lợi ích của người đã tiêm chủng, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên cả nước rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19, nhập dữ liệu người dân tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, chính xác lên hệ thống phục vụ cấp "hộ chiếu vaccine" và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
"Hộ chiếu vaccine" thực chất là ký xác nhận chứng nhận tiêm điện tử. Chứng nhận này được cấp theo tiêu chuẩn châu Âu để khi người dân nhập cảnh, hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành, giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác.
Trước đó, các thông tin tiêm chủng của người dân chưa được chuẩn hóa và cũng chưa được cập nhật theo tiêu chí châu Âu nên không thể sử dụng khi người dân xuất hoặc nhập cảnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc tiếp với Bộ Ngoại giao để đàm phán, thống nhất với các quốc gia đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Từ đó, sẽ xác nhận lại ứng dụng nào sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng khi xuất nhập cảnh, cũng như các quốc gia sẽ đọc được các dữ liệu trên ứng dụng của chúng ta. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao sẽ có hướng dẫn hoặc thông báo cụ thể tới người dân.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine".
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp "hộ chiếu vaccine".
Tính ngày 4/4, BV Bạch Mai đã thực hiện ký chứng nhận 2.013 đối tượng với gần 6.000 mũi tiêm. Tại TP. Hồ Chí Minh có Bệnh viện Đa khoa Gia An 115 đã thực hiện ký chứng nhận 425 đối tượng.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đến ngày 1/4, cả nước đã tiêm hơn 200 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên với mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99%, và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%.
Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 94%. Bộ Y tế và các địa phương cũng đang chuẩn bị để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4 này.