Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học nhằm chia sẻ thông tin những giải pháp, kỹ năng để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn loại tội phạm này.
Thưa Trung tá Đào Trung Hiếu, với kinh nghiệm là người điều tra trọng án gần 20 năm, ông nhận định thế nào về các vụ án trẻ em bị xâm hại tình dục, đặc biệt là những vụ án xảy ra ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS ?
Theo thống kê, tội phạm này đang gia tăng nhanh chóng cả về số vụ và số đối tượng. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Thực tế cho thấy, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, tình trạng này đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn cả về tính chất và mức độ. Vì tại các bản làng, đường sá heo hút, có nhiều hang động, hẻm núi thì càng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em gái. Đối với trẻ em đi học nội trú xa nhà, nguy cơ bị lợi dụng cũng rất lớn vì phụ huynh vùng cao thường bận lao động kiếm sống, không chú ý nhiều đến con cái, các giáo viên cũng chưa ý thức hết nguy cơ học sinh của mình bị xâm hại tình dục.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến những tình trạng này đang ngày càng phức tạp, nguy hiểm?
Ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như smart phone hiện nay khiến văn hóa phẩm không lành mạnh dễ dàng được truyền bá đến tận vùng sâu, vùng xa, gây ra sự xuống cấp về lối sống, đạo đức. Một nguyên nhân khác nữa là nhận thức của một bộ phận bà con ở những vùng DTTS còn chưa cao, chưa theo kịp so với mặt bằng chung của xã hội. Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, chăm sóc các em trong cuộc sống hằng ngày.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế, chưa thường xuyên, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân về sự bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ, trẻ em gái còn hạn chế. Vấn đề này dẫn đến việc trẻ em ở những vùng này thiếu hụt kỹ năng sống, khi gặp các tình huống nguy hiểm chưa biết cách phòng vệ, tự giải cứu mình.
Xin ông phân tích, tư vấn một số kỹ năng cụ thể cho trẻ em có thể chủ động phòng vệ cho bản thân trước những tình huống nguy hiểm, có nguy cơ bị xâm hại tình dục?
Các em đừng tự đưa mình vào hoàn cảnh dễ làm phát sinh tội phạm. Gặp những tình huống có người lạ bắt chuyện, nên giả vờ như không nghe thấy và đi nhanh sang nơi khác có đông người. Học sinh, các cô gái trẻ, cần thận trọng khi kết giao, quan hệ với nam giới, nhất là với những người quen biết trên mạng xã hội hoặc quen biết ngoài đường sá, nơi công cộng. Trẻ em gái cần cảnh giác cao độ khi đi đến chỗ vắng vẻ.
Nếu bị xâm hại tình dục, các em không được che dấu, cần phải lên tiếng báo với cơ quan công an sớm nhất để thu thập bằng chứng, lời khai kịp thời để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân. Tuy nhiên giải quyết triệt để vấn nạn này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phía thì công tác bảo vệ trẻ em mới thực sự có hiệu quả.
Xin ông chia sẻ rõ hơn làm thế nào để bảo vệ đối tượng trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; đồng thời ngăn chặn được loại tội phạm này?
Riêng tại các tỉnh vùng cao, vùng đồng bào DTTS, để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng có liên quan. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng để phòng tránh xâm hại tình dục.
Phụ huynh cần quan tâm, giáo dục con về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ thân thể mình. Nhà trường cần tổ chức nhiều lớp học để giáo dục kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh, làm sao khi gặp phải những tình huống phát sinh trên thực tế các em biết cách xử lý phù hợp.
Ngoài ra, ở cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và người dân có thể phối hợp với nhau trong công tác tuyên truyền. Chúng ta có thể tận dụng uy tín của trưởng bản, già làng trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật bảo vệ trẻ em, phụ nữ, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục cho đồng bào trong các buổi sinh hoạt tập thể.
Trân trọng cảm ơn ông!
HỒNG PHÚC